Giới thiệu Gia đình Lòng thương xót
Thánh Gioan Phaolo 2
Giờ đăng: 20:35 25/8/2024
Từ khóa:
Estote misericordes
“Vậy anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
1. Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), sau khi đã mạc khải cho Môsê biết “danh của Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, khoan dung, đầy nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6), đã không ngừng mạc khải thần tính của Ngài bằng nhiều cách thế và vào nhiều thời điểm khác nhau. “Lúc đến thời viên mãn”(Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp theo dự định cứu độ, Ngài sai Con duy nhất của Ngài đến trần gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mạc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (x.DV 4) (MV1).
Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Lòng Thương Xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng Thương Xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng Thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng Thương Xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng để được yêu thương luôn mãi , bất chấp tội lỗi của chúng ta. (MV 2 ) .
2. “Thực thi Lòng Thương Xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài tỏ bày quyền năng của Ngài” (Thánh Tôma Ts ), và “ Chúa thể hiện quyền năng của Chúa cách tỏ tường nhất khi Chúa tha thứ và xót thương”. Trong lịch sử nhân loại Thiên Chúa bao giờ cũng là Đấng hiện diện, gần gũi , quan phòng , thánh thiện và đầy lòng thương xót . Bản tính thương xót của Ngài được thể hiện cách cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ , nơi mà lòng nhân hậu của Ngài chiếm ưu thế hơn là trừng phạt và hủy diệt . Nhiều Thánh Vịnh đã nói lên điều đó :
“Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi ,
Thương chữa lành các bệnh tật ngươi ,
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt ,
Bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà”.
( TV 103 , 3-4 ) .
“Chúa xử công minh cho người bị áp bức ,
Ban lương thực cho kẻ đói ăn .
Chúa giải phóng những ai tù tội ,
Chúa mở mắt cho kẻ mù lòa .
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng người công chính ,
Chúa phù trợ những khách kiều cư,
Ngài nâng đỡ cô nhi quả phụ,
Nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” .
( TV 146, 7-9 ) .
“ Chúa chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
Những vết thương Người băng bó cho lành .
Kẻ thấp hèn Chúa nâng đỡ dậy ,
Bọn gian ác , Ngài hạ xuống đất đen” .
( TV 147, 3-6 ) .
Thiên Chúa hành động như thế trong toàn bộ lịch sử cứu độ , “ Vì Lòng Thương Xót của Chúa bền vững muôn đời” (TV 136 ) ( x. MV6 ) .
3. Vì yêu thương nhân loại , Thiên Chúa đã sai đến trong thế gian chính con một (x Ga 3, 16) là Đức Giêsu Kitô, hiện thân và dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Nơi Người, Lòng Thương Xót đã trở nên sống động , hữu hình và đạt đến tột đỉnh . Khi giáng sinh làm người , Đức Giêsu đã lãnh nhận từ Chúa Cha sứ mệnh mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa . “ Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1 Ga 4 , 8.16 ). Sứ mạng ấy Chúa Giêsu đã công bố ở hội đường Nadaret qua sấm ngôn Isaia :
“ Thần khí Chúa ngự trên tôi , vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi , để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha , cho người mù biết họ được sáng mắt , và trả tự do cho Người bị áp bức , công bố một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4, 18 – 19 ; x. Is 61, 1-2 ) .
Tình yêu Thương Xót ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ bày trong cuộc sống của Chúa Giêsu. Bản thân Người không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được ban tặng cách vô điều kiện . Các mối liên hệ giữa Người và những ai tìm đến với Người là một tương quan đặc thù duy nhất và không thể tái diễn . Nhưng dấu lạ Người thực hiện nhất là cho các tội nhân , cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ , tất cả đều phải mang dấu ấn của Lòng Thương Xót . Tất cả mọi sự nơi người đều tỏ bày cho thấy Lòng Thương Xót . Không có gì nơi Người lại thiếu vắng Lòng Thương Xót . ( Mv 8 ) .
Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu là đỉnh cao bày tỏ trọn vẹn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với nhân loại , “ Người là Đấng chẳng biết tội là gì , thì Thiên Chúa đã biến thành hiện thân tội lỗi vì chúng ta” ( 2Cr 5, 21 ) , “ Người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” ( Is 53 , 5 ) , Người là “ Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi trần gian” ( Ga 1, 29 ) .
Thập giá là phương tiện sâu xa nhất để thần tính đoái đến con người và đến những gì – nhất là trong những lúc khó khăn và đau xót – gọi là vận mạng bất hạnh của mình , Thập giá là sự chạm đến tình thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trên trần gian , và là sự hoàn tất đến cùng chương trình cứu thế mà Đức Kitô đã trình bày ở hội đường Nadaret ( x Lc 4, 18 – 21 ) .
Sự phục sinh mặc khải Tình Yêu tràn đầy mà Chúa Cha vẫn dành cho Đức Kitô , và qua Ngài , cho tất cả nhân loại . Trong sự phục sinh , Đức Kitô đã mặc khải Thiên Chúa của Tình Thương Xót chính vì Ngài đã chấp nhận Thập Giá là đường dẫn tới sự sống lại và cũng chính Đức Kitô , Con Thiên Chúa , lại tự mặc khải mình là nguồn mạch bất tận cuả Lòng Thương Xót . Nói cách khác , Đức Kitô Phục Sinh là hiện thân trọn vẹn và dấu chỉ sống động của Lòng Thương Xót : dấu chỉ của ơn cứu chuộc và mang tính cánh chung . ( x DIM 11 ) .
4. Giáo Hội phải làm chứng cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Đức Kitô trong tất cả sứ vụ của Ngài là Mêsia , trước tiên bằng việc tuyên xưng và công bố Lòng Thương Xót ấy như chân lý cứu độ của đức tin , cần thiết cho một đời sống hòa hợp với đức tin : rồi bằng việc tìm cách làm cho Lòng Thương Xót ấy đi vào nhập thể trong đời sống các tín hữu , và trong mức độ có thể được trong đời sống của những ai có thiện chí; sau đó, Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ khẩn cầu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khi gặp những sự dữ thể lý và tinh thần , khi biết bao nguy cơ đang bủa vây nơi chân tròi của cuộc sống loài người ngày nay; cuối cùng Giáo Hội phải có gắng thực thi Lòng Thương Xót, tức là “ có hành động thương xót” đối với kẻ khác . “ Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được thiên Chúa xót thương” ( Mt 5 , 7 ) . ( x. DIM 13-14 )
Thời đại ngày nay , khi Giáo Hội đang thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa, Lòng Thương Xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và canh tân các hoạt động mục vụ . Điều tối quan trọng đối với Giáo Hội cũng như với tính cách đáng tin của lời Giáo Hội rao giảng chính là sống và làm chứng cho Lòng Thương Xót. Ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội cần phải thông truyền Lòng Thương Xót , để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha . ( Mv 12 ) .
5. Các Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của Lòng Thương Xót , về phần xác cũng như phần hồn . Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta thường vẫn ngủ yên trước thảm họa nghèo khổ , và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng , nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa , Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi tình yêu đó , để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót , chẳng hạn :
- Thương xác bảy mối, đó là : cho kẻ đói ăn , cho kẻ khát uống , cho kẻ rách rưới ăn mặc , viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc , cho khách đỗ nhà , chuộc kẻ làm tôi , chôn xác kẻ chết .
- Thương linh hồn bảy mối , đó là : lấy lời lành mà khuyên người , sửa dạy kẻ mê muội , yên ủi kẻ âu lo , răn bảo kẻ có tội , tha kẻ dể ta , nhịn kẻ mất lòng ta , cầu cho kẻ sống và kẻ chết .
Chính Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi người trong “những kẻ hèn mọn” đó . Thân xác Người trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ , bị gây thương tích , bị đánh đập , bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi … để chúng ta nhận ra , chạm tới và ân cần săn sóc . ( MV 15 )
Nhớ lời nhắn nhủ của Thánh Gioan Thánh Giá : “ vào lúc cuối đời , chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu”, chúng ta càng phải nhiệt thành dấn thân hết mình thực thi bác ái , bởi lẽ chỉ khi “ Tình yêu nên hoàn hảo nơi chúng ta , thì chúng ta mới được mạnh dạn trong ngày phán xét” (1Ga 4, 17 ) , và sẽ hạnh phúc nghe lời Chúa phán :
“ Nào những kẻ Cha ta chúc phúc , hãy đến thừa hưởng Nước Trời dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa . Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn ; Ta khát các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom ; Ta ngồi tù các ngươi đã đến thăm … Vì Ta bảo thật các ngươi ; mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây , là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” ( Mt 25, 34-36 . 40 )
6. Đức Maria là mẹ của Lòng Thương Xót . Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Mẹ. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bằng sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm . Thân mẫu của Đấng chịu đóng đinh và phục sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót , vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa .
Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt cuộc đời dâng hiến, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa .
Xin Mẹ không ngừng ghé mắt thương xem chúng ta , cho chúng ta ngắm nhìn dung mạo của Lòng Thương Xót là chúa Giêsu, Con Mẹ , và giúp chúng ta trở nên tình yêu Thương Xót như Ngài .
( M. v 24 )
N. B :
- M. V = Misericordiae Vultus : Tông thư “ Khuôn Mặt Xót Thương” của Đức Thánh Cha Phanxi nhân dịp khai mở “ Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa” , 11-4-2015 .
- DiM = Dives in Misericordia : Thông điệp “ Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót” . của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II , 30-10-1980 .